Tọa đàm khoa học: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học”

(apag.edu.vn.vn) – Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), sáng ngày 16/5/2025, tại Hà Nội, Học viện Hành chính và Quản trị công tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học”. PGS. TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Tọa đàm. 

a1

Quang cảnh Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm có: PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa, Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Đức Lam, cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện Hành chính và Quản trị công; cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, viên chức của Học viện. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các Phân hiệu của Học viện.

a2

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh, trong môi trường giáo dục đại học, AI đang “cách mạng hóa” cách học, dạy và quản lý; đồng thời, giúp tối ưu hóa mọi khía cạnh của quá trình giáo dục. Với vai trò là cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về hành chính và quản trị công, Học viện Hành chính và Quản trị công đang chủ động đón bắt xu hướng này. Việc đầu tư phát triển năng lực công nghệ, đặc biệt là nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng AI cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên không chỉ là yêu cầu tất yếu mà còn là cơ hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong toàn Học viện. Đây chính là nền tảng để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có tư duy số, làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính hiện đại, minh bạch vì người dân và vì sự phát triển bền vững. Với mục đích đó, Tọa đàm khoa học được tổ chức để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và gợi mở các phương pháp ứng dụng hiệu quả AI trong công tác chuyên môn.

a3

Ông Nguyễn Đức Lam trình bày tham luận.

Tại Tọa đàm, diễn giả Nguyễn Đức Lam, cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông trình bày tham luận: “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy quản trị nhà nước hiệu quả”. Với góc nhìn chính sách và thực tiễn, ông đã chỉ ra rằng, AI không chỉ là công cụ, mà đang trở thành yếu tố cấu thành năng lực vận hành mới của các cơ quan nhà nước. Chính phủ vừa là chủ thể ứng dụng AI, vừa là “kiến trúc sư” thiết kế môi trường pháp lý và hạ tầng cho AI phát triển. Việc triển khai AI tại các cơ quan trung ương, như: trợ lý ảo cho thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao; trợ lý ảo cho công chức của các bộ, ngành; tại các cơ quan nhà nước ở địa phương (Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Tây Ninh), như: “Camera AI; các trợ lý ảo; AI trong xử lý phản ánh, kiến nghị địa phương”… cho thấy tiềm năng ứng dụng AI trong quản lý, phản ánh, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả quản trị công. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng trong sử dụng AI còn hạn chế do thiếu hạ tầng dữ liệu, nguồn nhân lực và tài chính. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng các “bài toán đúng” cho từng cơ quan, nghĩa là cần lựa chọn đúng nội dung phù hợp với năng lực và nhu cầu, thay vì chạy theo phong trào hoặc áp dụng dàn trải.

a5

PGS.TS. Đỗ Văn Hùng trình bày tham luận.

PGS.TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng khoa, Khoa Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày tham luận “Ứng dụng AI trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học: khó khăn, thách thức, giải pháp và bài học kinh nghiệm”. PGS.TS. Đỗ Văn Hùng đã phân tích các ứng dụng của AI trong trên hai lĩnh vực: (1) Trong giảng dạy, AI tạo sinh đang làm thay đổi sâu sắc cách thức thiết kế, tổ chức và triển khai hoạt động giảng dạy trong giáo dục đại học. Với khả năng hỗ trợ toàn diện từ việc xây dựng đề cương môn học, soạn bài giảng, thiết kế công cụ đánh giá đến sáng tạo nội dung học tập đa phương tiện và hỗ trợ người học qua Chatbot, AI đang trở thành một trợ thủ đắc lực cho giảng viên, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam; (2) Trong nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế, AI tạo sinh đang làm thay đổi cách thức nghiên cứu khoa học, từ quá trình hình thành ý tưởng, thiết kế nghiên cứu, phân tích dữ liệu đến công bố kết quả. Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, tổng hợp tri thức và phân tích thông tin nhanh chóng, các công cụ AI đang trở thành trợ lý nghiên cứu hiệu quả, đặc biệt với các nhà nghiên cứu trẻ và không chuyên về phương pháp định lượng.

Trong tham luận, diễn giả cũng cho rằng, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, như: (1) Về năng lực số của đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu (sử dụng các công cụ AI trong công việc chuyên môn chưa nhiều, tâm lý e ngại và dè dặt với công nghệ mới); (2) Về hạ tầng công nghệ (chưa có hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, thiếu phần mềm bản quyền và không đủ năng lực để tích hợp các công cụ AI vào hệ thống quản lý học tập (LMS) hiện có); (3) Về đạo đức và học thuật (đạo văn và gian lận học thuật); (4) Về chính sách quản lý (thiếu khung pháp lý rõ ràng về việc sử dụng AI trong giáo dục và nghiên cứu; cơ chế hỗ trợ triển khai AI trong giáo dục còn hạn chế, cả về tài chính, chính sách đào tạo lại đội ngũ và định hướng chiến lược dài hạn).

Trước những thách thức đang cản trở việc ứng dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông Hùng đề xuất 4 giải pháp để AI thực sự trở thành công cụ nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, góp phần thúc đẩy nền giáo dục Việt Nam hội nhập với xu hướng giáo dục thông minh toàn cầu, như: cần nâng cao năng lực số và hiểu biết về AI cho đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu; cần đầu tư hạ tầng công nghệ và nền tảng số phù hợp; bảo đảm đạo đức học thuật và tăng cường quản lý chất lượng học thuật với sự hỗ trợ của AI; cần hoàn thiện chính sách và cơ chế hỗ trợ triển khai AI trong giáo dục và nghiên cứu.

a6

TS. Mai Trung Đông, Giảng viên Khoa Khoa học liên ngành – Ngoại ngữ – Tin học, Học viện Hành chính và Quản trị công trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.

a7

ThS. Hoàng Anh Tuấn, Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Học viện Hành chính và Quản trị công trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.

a4

PGS.TS. Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm.

Xoay quanh chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, Tọa đàm đã nhận được nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn cao từ các giảng viên, nhà nghiên cứu của Học viện đặt ra cho 2 diễn giả, như: thách thức lớn nhất trong ứng dụng AI trong khu vực công là gì; vấn đề đạo đức và pháp lý trong AI diễn ra như thế nào; công cụ, phương pháp nào để quản lý sử dụng AI trong giảng dạy để tránh phụ thuộc vào AI; quan điểm như thế nào về “AI là sự sáng tạo của nhân loại nhưng AI lại làm mất đi sự sáng tạo”; gợi mở cách thức ứng dụng AI vào thực tiễn của Học viện Hành chính và Quản trị công; các cảnh báo để sử dụng AI hiệu quả trong thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Giải đáp các câu hỏi trên, 2 diễn giả cho rằng, cần hiểu AI là công cụ chứ không phải là “đích đến”. AI không thể thay thế giảng viên hay nhà quản lý, mà AI chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tăng cường năng lực, đặc biệt trong cá nhân hóa quá trình học và nâng cao hiệu suất nghiên cứu. Phải coi con người luôn là trung tâm dù AI có thể tạo ra nội dung thuyết phục, nhưng chỉ có con người mới có thể bảo đảm tính sư phạm, giá trị đạo đức, tư duy phản biện và kết nối xã hội, đó là những yếu tố không thể thay thế được. Để ứng dụng AI hiệu quả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Học viện Hành chính và Quản trị công cần chuẩn bị “nền móng” số vững chắc thông qua nâng cao năng lực số của đội ngũ giảng viên, viên chức; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh; xây dựng “dữ liệu sạch” và có cấu trúc; thiết lập các quy trình kiểm định kết quả đầu ra của AI; bảo đảm đạo đức và liêm chính học thuật trong sử dụng AI; khảo sát từng đơn vị, khoa, ban của Học viện để xác định được chính xác nhu cầu và ứng dụng AI để đạt hiệu quả cao nhất.

a8

PGS.TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công phát biểu tổng kết Tọa đàm.

Tổng kết Tọa đàm, TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết, thú vị và hữu ích của 2 diễn giả. Tọa đàm không chỉ là dịp để các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện cập nhật, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm mà còn là bước đi cụ thể trong việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy chiến lược đổi mới sáng tạo của Học viện. Kết quả Tọa đàm là những gợi mở, định hướng để nâng cao hiệu quả ứng dụng AI trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, như: cần xây dựng chương trình tập huấn chuyên sâu về ứng dụng AI cho tất cả các cán bộ, viên chức của toàn Học viện; thí điểm ứng dụng AI trong giảng dạy một số môn học cụ thể; thiết lập nhóm nghiên cứu về ứng dụng AI trong quản trị công; tổ chức nhiều hơn các buổi trao đổi, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI trong giảng dạy và nghiên cứu; triển khai nền tảng học tập cá nhân hóa thử nghiệm, có Chatbot hỗ trợ sinh viên theo từng học phần; đồng thời, lưu ý đến vấn đề bảo mật dữ liệu người học. TS. Bùi Phương Đình hy vọng, mỗi cán bộ, giảng viên của Học viện sẽ không ngừng học hỏi, làm chủ các công cụ công nghệ mới, chủ động tích hợp AI vào giảng dạy và nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hành chính công chất lượng cao, năng động, sáng tạo và thích ứng tốt vì một nền hành chính hiện đại, đổi mới và phục vụ.

lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Buổi sáng cùng ngày (16/5/2025), Học viện Hành chính và Quản trị công đã tổ chức chúc mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5). Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ, viên chức Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế và tất cả các nhà khoa học, giảng viên, viên chức quản lý khoa học. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. Học viện Hành chính và Quản trị công xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến mô hình nghiên cứu, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường năng lực quản trị công. Giám đốc Học viện hy vọng toàn thể các nhà khoa học, giảng viên, viên chức quản lý khoa học của Học viện sẽ luôn cống hiến hết mình, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển, bắt nhịp với những vấn đề mới của thời đại, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và có uy tín lớn trong lĩnh vực hành chính và quản trị công.

a1 - Copy

Lãnh đạo Học viện tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học, giảng viên, viên chức nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Comments are closed.