Chiều ngày 02/7/2025, Học viện Hành chính và Quản trị công phối hợp với Trường Quản trị Normandie, Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế xanh – lý luận và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các Phân hiệu của Học viện. GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Quyền Trưởng khoa Kinh tế đồng chủ trì hội thảo.

Các đại biểu, khách mời dự Hội thảo, gồm: PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Nguyễn Tất Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế châu Á – Thái Bình Dương; ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Tài chính; ông Hà Huy Thục, Công ty cổ phần xây dựng và cây xanh Hà Đô; ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại Sao Việt.
Về phía Trường Quản trị Normandie, Cộng hòa Pháp, có: GS. Escobar Octavio, Trưởng khoa Kinh tế; PGS. Kovarski Olivier, Giám đốc các chương trình quốc tế; ông Mai Văn Thắng, Giám đốc Dự án Việt Nam; PGS. Trần Nguyên Khôi, Quản lý Chuỗi cung ứng và Logisstics; PGS. Nguyễn Hữu Thanh Tâm, giảng viên cao cấp.
Về phía Học viện Hành chính và Quản trị công, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Bùi Phương Đình, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị cùng các nhà khoa học, giảng viên, viên chức, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Học viện cùng tham dự Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh, công nghiệp hóa, đô thị hóa và sự tiêu dùng lãng phí đã dẫn đến ô nhiễm, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học. Trong bối cảnh đó, kinh tế xanh đã xuất hiện như một hướng chiến lược nhằm phát triển sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo đảm phúc lợi xã hội. Chuyển đổi sang kinh tế xanh là một nhiệm vụ phức hợp, từ cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng cho tới xanh hóa sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và cả hướng thay đổi hành vi xã hội.
Trong thực tiễn, nhiều địa phương, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi tiên phong trong hướng đi xanh hóa, như: các khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ, Bình Dương; các dự án điện mặt trời, điện gió tại Ninh Thuận, Bạc Liêu; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, canh tác carbon thấp; các sáng kiến tiêu dùng bền vững, tái chế rác thải nhựa… Những dự án này không chỉ cho thấy chuyển đổi xanh gặp nhiều thách thức mà còn là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn chuyển đổi kinh tế xanh ở Việt Nam; đồng thời, mong nhận được nhiều ý kiến góp ý, những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao, góp phần thúc đẩy kinh tế xanh tại Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ về vấn đề “Chuyển đổi xanh: cơ hội lịch sử, thách thức sống còn”. Ông khẳng định, chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu, buộc nhân loại chuyển sang giai đoạn phát triển mới: hài hòa với thiên nhiên; tiếp cận bao trùm, tích hợp, cân bằng. Ông cũng nêu thách thức lớn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là thách thức trong năng lực thực thi, điều này bắt buộc chúng ta phải thay đổi để tồn tại và phát triển bền vững.

Với tham luận “Phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, đồng thời, là yêu cầu tất yếu trong kỷ nguyên phát triển bền vững. Việt Nam đã bước đầu thể hiện quyết tâm chính trị thông qua các chiến lược, chính sách và cam kết quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống quản lý nhà nước hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, như: thiếu luật chuyên ngành, cơ chế điều phối liên ngành yếu, công cụ chính sách chưa hoàn thiện và năng lực thực thi ở địa phương còn hạn chế.
Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế xanh không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn là yêu cầu chiến lược, mang lại lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế. Ông cũng khẳng định, quản lý nhà nước cần được tái thiết theo hướng “kiến tạo, minh bạch và linh hoạt” để có thể dẫn dắt thành công quá trình chuyển đổi xanh trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh toàn cầu.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Nguyên Khôi cho rằng, logistics xanh và phát triển hạ tầng bền vững đang là xu hướng toàn cầu, không chỉ vì lợi ích môi trường mà còn vì hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh. Việt Nam có thể học hỏi các kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia phát triển để thúc đẩy lĩnh vực này, như: Hà Lan, Singgapore, Đức. Theo đó, cần chú trọng vận tải đa phương thức; đầu tư mạnh vào hạ tầng kết nối các cảng với mạng lưới đường sắt và đường thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thân thiện môi trường; áp dụng các công nghệ thông minh và tự động hóa để tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu tác động môi trường; khuyến khích các khu thương mại tự do và trung tâm phân phối giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng.



Hội thảo cũng được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề lớn, như: trí tuệ nhân tạo và tính bền vững; đổi mới sáng tạo để thoát khỏi các bẫy phát triển; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam; những điểm nghẽn về thể chế trong phát triển kinh tế xanh; giải pháp tối ưu cho phát triển kinh tế xanh; hạn chế về tài chính và khoảng cách về năng lực thể chế giữa các địa phương,…
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu đến từ Trường Quản trị Normandie, các đại biểu đến từ các bộ, ngành, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã tới tham dự Hội thảo và có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận, bình luận và chia sẻ thẳng thắn. Những ý kiến này đã đem đến cho các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu nhiều thông tin, luận điểm hữu ích, mang lại giá trị và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế xanh. Qua đó, nỗ lực không ngừng để thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm giảm phát thải carbon và ô nhiễm, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng và ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.


Theo quanlynhanuoc.vn