Hoàn thiện nội dung, phương pháp giảng dạy trong đào tạo tiến sĩ Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính và Quản trị công

(apag.edu.vn) – Sáng ngày 24/6/2025, tại Hà Nội, Học viện Hành chính và Quản trị công đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nội dung, phương pháp giảng dạy các học phần thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính tại Học viện Hành chính và Quản trị công”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Phòng Truyền thống Học viện, và kết nối trực tuyến đến các phân hiệu của Học viện.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía Học viện có GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công chủ trì; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Luật Học viện Hành chính và Quản trị công

Về phía khách mời có GS.TS. Lê Minh Tâm Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật;

PGS.TS. Tường Duy Kiên – Viện trưởng Viện Quyền con người; GS.TS. Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng với đại diện các đơn vị chức năng, lãnh đạo Khoa, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học đến từ các cơ sở đào tạo trong và ngoài Học viện.

PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu khai mạc

GS. TS. Nguyễn Quốc Sửu phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công, nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của việc được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính – một bước tiến khẳng định vai trò của Học viện trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực pháp luật và quản trị công.

Ông cho rằng, Hội thảo lần này là hoạt động chuyên môn có tính nền tảng, nhằm đánh giá toàn diện triết lý đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy của chương trình tiến sĩ, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ. Diễn văn cũng nêu bật yêu cầu chuyển từ “hệ thống hóa kiến thức” sang “kiến tạo tri thức mới”, chuyển vai trò của giảng viên từ “người truyền đạt” sang “người dẫn dắt và kích thích tư duy độc lập”.

GS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đã giao nhiệm vụ cho Khoa Luật chủ động tiếp thu các ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo, bảo đảm chất lượng học thuật và phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới

PGS. TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng Khoa Luật, Học viện Hành chính và Quản trị công trình bày tham luận

PGS. TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng Khoa Luật, Học viện Hành chính và Quản trị công trình bày tham luận

Trong tham luận “Tổng quan về chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính và Quản trị công”, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh trình bày nền tảng xây dựng chương trình dựa trên 3 trục chính: (1) khung trình độ quốc gia Việt Nam trình độ tiến sĩ; (2) lý thuyết giáo dục hiện đại hướng đến phát triển năng lực thực tiễn, và (3) tiếp cận liên ngành giữa luật học – hành chính – quản trị công.

Tham luận nhấn mạnh mục tiêu đào tạo là hình thành đội ngũ chuyên gia có năng lực nghiên cứu độc lập, phản biện học thuật và sáng tạo tri thức mới trong lĩnh vực luật công. Chương trình bảo đảm tính liên thông quốc tế, được đối sánh với nhiều mô hình đào tạo của các trường luật uy tín như Trường Đại học Luật Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, University of Washington (Mỹ), Monash University (Úc). Ngoài các học phần nền tảng và chuyên sâu, chương trình còn chú trọng đào tạo năng lực nghiên cứu ứng dụng, khả năng hoạch định chính sách, sử dụng công nghệ nghiên cứu hiện đại và kết nối quốc tế. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh đề xuất tiếp tục hoàn thiện nội dung học phần, khung đánh giá và phát triển đội ngũ giảng viên hướng đến chuẩn quốc tế hóa chương trình đào tạo tiến sĩ tại Học viện.

GS. TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

GS. TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Với tham luận “Triết lý đào tạo tiến sĩ luật tại các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam”, GS. TS. Võ Khánh Vinh khẳng định vai trò cốt lõi của triết lý đào tạo trong việc định hình toàn bộ hoạt động học thuật, từ mục tiêu, nội dung, đến phương pháp và đánh giá. Thực tiễn cho thấy, nhiều chương trình tiến sĩ hiện nay thiếu triết lý rõ ràng, chưa tích hợp yếu tố liên ngành, dẫn đến rời rạc về nội dung và hình thức. Ông đề xuất hệ thống hóa lại triết lý đào tạo với ba trụ cột: tư duy pháp lý độc lập – nghiên cứu học thuật nghiêm cẩn – trách nhiệm xã hội. Đồng thời, khuyến nghị xây dựng đội ngũ hướng dẫn có năng lực quốc tế, và tích hợp kỹ năng công bố khoa học như một phần bắt buộc

PGS. TS. Huỳnh Văn Thới, Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh

PGS. TS. Huỳnh Văn Thới, Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận

Trong tham luận về “Triết lý đào tạo tiến sĩ ngành luật công ở các nước và giá trị tham khảo”, PGS. TS. Huỳnh Văn Thới đã phân tích ba mô hình đào tạo nổi bật tại Nga (RANEPA), Singapore (LKYSPP) và Nhật Bản (Đại học Hitotsubashi). Ông cho rằng điểm chung của các chương trình này là xác lập triết lý đào tạo tiến sĩ như một định hướng trung tâm, thể hiện rõ qua khung chương trình, phương pháp giảng dạy và cấu trúc luận án. Ông đặc biệt đề cao giá trị của các diễn đàn phản biện học thuật (doctoral colloquium), cơ chế đồng hướng dẫn liên ngành và xây dựng ngân hàng đề tài nghiên cứu gắn với chính sách công cụ thể. Những mô hình này được xem là tham chiếu hữu ích cho Học viện trong quá trình xây dựng bản sắc riêng của chương trình đào tạo tiến sĩ Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi sâu sắc về việc:

  • Chuẩn hóa đề cương học phần và nội dung phản biện.
  • Thiết lập tiêu chí chọn người hướng dẫn luận án phù hợp năng lực nghiên cứu.
  • Tăng cường công bố quốc tế và đào tạo năng lực học thuật cho nghiên cứu sinh.
GS. TS. Lê Minh Tâm, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

GS. TS. Lê Minh Tâm, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

GS.TS. Lê Minh Tâm nhấn mạnh, đào tạo tiến sĩ là bậc học cao nhất, gắn với sứ mệnh sáng tạo tri thức mới. Theo ông, triết lý đào tạo tiến sĩ luật phải hướng đến việc hình thành một nhà khoa học thực thụ – người có năng lực nhận thức sâu sắc, khả năng phát hiện vấn đề mới và đề xuất giải pháp lý luận có giá trị. Luận án tiến sĩ không chỉ là một công trình sưu tầm mà phải thể hiện hai yếu tố then chốt: đề tài mớiđề xuất mới. GS.TS. Lê Minh Tâm khẳng định, trong quy trình đào tạo bậc cao này, phải rèn luyện cho người học khả năng lựa chọn, sáng tạo và phát triển tư duy độc lập, để từ đó lan tỏa giá trị lý luận ra cộng đồng học thuật và xã hội. Văn hóa khoa học và đạo đức học thuật cần được đặt làm nền tảng cho đào tạo tiến sĩ.

PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, muốn đổi mới chương trình đào tạo tiến sĩ một cách thực chất, trước hết cần thay đổi từ chính đội ngũ giảng viên, người trực tiếp thực hiện đào tạo. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh vai trò của tư duy mở, tránh áp đặt khuôn mẫu, để nghiên cứu sinh có điều kiện phát triển tư duy độc lập và tự chủ xây dựng khung lý thuyết của riêng mình. Bà đề xuất Học viện nên tổ chức các buổi tập huấn trước khi triển khai chương trình đào tạo chính thức nhằm thống nhất quan điểm học thuật giữa các nhà khoa học tham gia. Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương khuyến khích đưa các phương pháp mới như nghiên cứu tình huống, phản biện học thuật vào chương trình, tạo môi trường học thuật cởi mở hơn cho nghiên cứu sinh.

PGS. TS. Tường Duy Kiên, viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS. Tường Duy Kiên, viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Tường Duy Kiên khẳng định rằng mỗi cơ sở đào tạo tiến sĩ cần có một triết lý riêng làm nền tảng xuyên suốt. PGS. TS Tường Duy Kiên đề xuất đổi mới chương trình theo hướng không lặp lại những kiến thức cũ, mà tạo ra các chuyên đề có chiều sâu, mời chuyên gia có kinh nghiệm đảm nhận để nghiên cứu sinh học tập mang tính khám phá. PGS.TS. Tường Duy Kiên đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quyền con người, đề xuất lồng ghép nội dung này vào sinh hoạt chi bộ và các chương trình đào tạo chính thức, phản ánh đúng xu thế quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, ông kêu gọi tạo cơ chế khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học và ưu tiên nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn.

PGS. TS. Nguyễn Văn Quang, Tổng biên tập Tạp chí Luật học, trường Đại học Luật Hà Nội

PGS. TS. Nguyễn Văn Quang, Tổng biên tập Tạp chí Luật học, trường Đại học Luật Hà Nội

PGS. TS. Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh rằng khâu lựa chọn đề tài nghiên cứu sinh là mắt xích quan trọng nhất trong toàn bộ chu trình đào tạo tiến sĩ. Việc này cần có một “tổng công trình sư” có chuyên môn sâu và kinh nghiệm để hỗ trợ định hướng từ đầu. PGS. TS. Nguyễn Văn Quang cũng cho rằng cần có một đội ngũ đồng hành ổn định cùng nghiên cứu sinh suốt quá trình thực hiện luận án. Về cơ chế, PGS. TS. Nguyễn Văn Quang kiến nghị nên xem xét linh hoạt hơn về việc điều chỉnh đề tài nếu có thay đổi hợp lý về nội dung và định hướng nghiên cứu, tránh tình trạng quá cứng nhắc trong quản lý đề tài khiến luận án trở nên gượng ép, thiếu tính sáng tạo.

GS. Nguyễn Quốc Sửu bế mạc Hội thảo, trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, đại biểu đã tham gia và đóng góp phát biểu ý kiến và tham luận chuyên sâu, thiết thực. Ông khẳng định những nội dung thảo luận tại Hội thảo là tiền đề quan trọng để hoàn thiện chương trình đào tạo và thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Hội thảo đã khép lại với nhiều tham luận và ý kiến trao đổi sâu sắc, góp phần hoàn thiện triết lý, nội dung và phương pháp giảng dạy trong chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Những kết quả thu được là cơ sở quan trọng để Học viện Hành chính và Quản trị công tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học và hội nhập học thuật quốc tế.

GS. TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên chủ nhiệm Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu

GS. TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên chủ nhiệm Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra phát biểu

TS. Nguyễn Huy Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra phát biểu

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu

PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Huy Tấn

Comments are closed.